Ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển bền vững, kiểm kê khí nhà kính, giao dịch tín chỉ carbon

Sáng 16/3/2024, diễn ra lễ ký kết hợp tác ba bên giữa Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Công Ty TNHH Intertek Việt Nam, công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS về đào tạo nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon.

Tham dự có Ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục việc làm; Ông Nguyễn Huy – Giám đốc Công ty TNHH Intertek Việt Nam, Ông Lê Hoàng Thế – Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái THE VOS, Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT tại 13 tỉnh thành ĐBSCL, Viện lúa ĐBSCL, Sở, Ban ngành Tỉnh Vĩnh Long, các công ty doanh nghiệp, công nghiệp chế biến, lắp ráp, sản xuất tại các khu công nghiệp. Về phía trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long có PGS.TS Cao Hùng Phi – Hiệu trưởng, PGS.TS Lê Hồng Kỳ– Phó hiệu trưởng, cùng quý thầy cô trưởng các đơn vị và giảng dạy lĩnh vực phát triển bền vững.

Dựa trên buổi làm việc trao đổi, thương thảo đề xuất các nội dung hợp tác vào ngày 11/3 vừa qua, Trường ĐH SPKT Vĩnh Long với 3 giá trị nền tảng: đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đã tiến tới ký kết hợp tác chính thức với công ty TNHH Intertek, công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS vào sáng nay, tiên phong đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất cho thị trường tín chỉ carbon, giảm phát thải khí nhà kính hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL và cả nước. Theo đó, chương trình đào tạo được chia thành 03 cấp độ, giai đoạn 1 với 10 mô đun cơ bản về tín chỉ carbon, phát thải ròng bằng 0, bù đắp và trung hòa carbon, giảm phát thải khí nhà kính, kiểm toán carbon rừng, kiểm kê và xác minh khí nhà kính, đánh giá vòng đời và dấu chân carbon của sản phẩm, báo cáo theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, báo cáo môi trường, xã hội và quản trị, được đào tạo theo hình thức trực tuyến thông qua nền tảng E-learning by Alchemy Platform. Giai đoạn 2,3 sẽ thực hành trực tiếp tại các doanh nghiệp.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon. Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ước tính 57 triệu tín chỉ carbon có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD. Cùng với đó ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 01/2022/QĐ-TTg về ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Dựa trên mức tiêu thụ năng lực (TOE), cả nước có 1.912 cơ sở sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Do đó, việc tổ chức đào tạo, và chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển, vận hành thị trường tín chỉ carbon là vô cùng to lớn và cần thiết phải được thực hiện ngay từ bây giờ.

Hình ảnh chi tiết sự kiện