Triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu về đào tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST)” thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Quốc gia đến năm 2025”, ngày 05/10/2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cùng các trường thuộc Câu lạc bộ khối Sư phạm Kỹ thuật tổ chức Hội nghị với chủ đề: “Mô hình Doanh nghiệp trong trường Đại học - Hướng đi hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp”.
Tham dự Hội nghị, về phía Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có TS. Võ Thanh Bình - Trưởng ban Tổ chức và phát triển, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học SPKT Hưng Yên; Ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban Công tác Hội viên.
Về phía các trường Đại học trong khối Sư phạm Kỹ thuật (SPKT) có Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên – Trưởng ban tổ chức Hội nghị; PGS.TS. Phan Cao Thọ – Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối Sư phạm kỹ thuật, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng; PGS.TS. Cao Hùng Phi - Ủy viên BCN Câu lạc bộ khối Sư phạm kỹ thuật, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long; Các thầy cô trong Ban Giám hiệu và cán bộ giảng viên đến từ trường Đại học SPKT TP. Hồ Chí Minh, trường Đại học SPKT Vĩnh Long, trường Đại học SPKT – Đại học Đà Nẵng, trường Đại học SPKT Vinh, trường Đại học SPKT Nam Định.
Về phía trường Đại học SPKT Hưng Yên – đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị có: PGS. TS. Bùi Trung Thành, Hiệu trưởng Nhà trường - Chủ nhiệm CLB Khối Sư phạm Kỹ thuật; TS. Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Hội đồng trường cùng các thầy trong Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo Phòng, Khoa, Trung tâm, Cơ sở và cán bộ giảng viên nhà trường.
Phát biểu chào mừng, PGS.TS Bùi Trung Thành – Hiệu trưởng trường Đại học SPKT Hưng Yên nhấn mạnh “Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong trường Đại học là bài học thành công của nhiều trường đại học trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều trường đại học đã thành lập doanh nghiệp thuộc trường nhưng chưa phải là doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ đúng nghĩa, mà chủ yếu là các công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoặc công ty cổ phần với phần lớn vốn là của các trường đại học, nhà trường chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó, như một đơn vị trực thuộc trường. Điều đó cho thấy mô hình này chưa hiệu quả trong việc thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Để chuyển giao tri thức vào cuộc sống thì việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cần có cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, các quy định hướng dẫn cụ thể của nhà nước và cần có thêm nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại hóa công nghệ giữa trường đại học với doanh nghiệp. Với mục tiêu hướng đến những giá trị bền vững, hội nghị lần này sẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện hơn nữa giữa trường đại học với doanh nghiệp”.
Hội nghị tập trung triển khai các nội dung sau:
1) Phân tích nhu cầu cấp thiết cần gắn kết trường đại học với doanh nghiệp. Tìm hiểu cơ chế chính sách hiện tại về việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học. Phân tích thực tế các mô hình doanh nghiệp, trung tâm khởi nghiệp trong một số trường đại học đã triển khai: Hiệu quả, khó khăn, vướng mắc. Từ đó đưa ra định hướng, mô hình và giải pháp để hình thành doanh nghiệp trong trường đại học và những kiến nghị về chính sách.
2) Thống nhất kế hoạch hoạt động 03 tháng cuối năm và tổ chức Hội nghị CLB năm 2024;
3) Thông qua danh sách các cá nhân đề nghị Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam năm 2023.
Kết thúc Hội nghị, Câu lạc bộ khối Sư phạm Kỹ thuật đã thông qua kế hoạch hoạt động trong thời gian tới và trao cờ đăng cai tổ chức hội nghị lần tới cho trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long.