Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ cốt lõi trong trường đại học

Hưởng ứng các hoạt động chào mừng ngày Khoa học công nghệ 2025 Việt Nam 18/5, đồng thời hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chiều ngày 16/5 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long (VLUTE) tổ chức Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ cốt lõi ở trường đại học”
Tham dự về phía tỉnh Vĩnh Long có đại diện lãnh đạo các Sở KHCN, Sở GDĐT, Sở Nội vụ; Về phía Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP. HCM (HSIA) có: PGS. TS Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch, Trưởng Ban hợp tác Đào tạo nhân lực bán dẫn, KS. Đặng Quang Nhựt-Giám đốc kỹ thuật Công ty Ito Việt Nam, Phó Chánh Văn phòng Hội; Về phía trung tâm nghiên cứu triển khai, khu công nghệ cao (SHTPLAB) có TS. Trịnh Xuân Thắng-Quyền Giám đốc Trung tâm, ThS. Huỳnh Trọng Phát-Phó phòng phụ trách phòng công nghệ bán dẫn; đại diện lãnh đạo các trường THPT trong Tỉnh. Về phía Đại học SPKT Vĩnh Long có PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng – Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Minh Sang – Chủ tịch Hội đồng trường, lãnh đạo các đơn vị, giảng viên cùng tham dự.
PGS. TS Nguyễn Thanh Tùng – Hiệu trưởng cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang triển khai một số đề án phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu về vi mạch và các lĩnh vực liên quan như trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật robot, thiết kế vi mạch, điều khiển tự động hóa, đồng thời đang xây dựng tòa nhà Trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ quy mô 9 tầng. Khi hoàn thành sẽ tạo không gian làm việc, nghiên cứu chuyên sâu chuyên nghiệp cho các nhà khoa học, đội ngũ chuyên gia, giảng viên và sinh viên”.
Đồng thời để hướng ứng kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, Nhà trường đã triển khai thực hiện nhiều nội dung như: tổ chức 8 lượt Tọa đàm, hội thảo khoa học về Thúc đẩy hoạt động KHCN trong trường ĐH. Các hoạt động chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ, Ứng dụng AI trong đào tạo, quản lý và các hoạt động khác, song song đó là từng bước triển khai thương mại hóa sản phẩm NCKH và chuyển giao công nghệ....cử CBGV tham dự nhiều đợt hội nghị hội thảo về quản trị ĐH và vai trò của ĐH trong kỷ nguyên số, các Workshop về AI... Và hội thảo ngày hôm nay là hoạt động trọng tâm trong chuỗi các sự kiện chào mừng.
Phát biểu tại hội thảo PGS. TS Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch HSIA nhấn mạnh vai trò then chốt của hai công nghệ lõi – bán dẫn và trí tuệ nhân tạo – trong sự phát triển toàn cầu. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị công nghệ, nhờ lợi thế về nhân lực và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp tại hội thảo cũng thông tin về tầm quan trọng của kết nối giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, cùng nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ mới trong lĩnh vực bán dẫn và các ngành công nghiệp phụ trợ. Đồng thời hợp tác đưa giảng viên tham gia vào các buổi đào tạo ngắn hạn, sinh viên tham gia thực tập tại các doanh nghiệp, để nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển, ứng dụng thực tế kiến thức chuyên môn.
Cũng trong tại Hội thảo, giảng viên Khoa KTCN Điện – điện tử đã thông tin chuyên ngành thiết kế vi mạch được nhà trường đưa vào chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật điện điện tử và có sự đầu tư các đồng bộ và trọng điểm phòng thực hành chuyên biệt như: Phòng thực hành kỹ thuật xung – số; Phòng thực hành thiết kế vi mạch; Phòng thí nghiệm cảm biến; Phòng thí nghiệm vi xử lý…
Song song đó, Khoa CNTT cũng đã có giới thiệu các phần mềm mới để đưa vào đào tạo đội ngũ công nghệ thông tin cho ngành công nghiệp bán dẫn, qua đó đào tạo sinh viên có khả năng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, góp phần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp sẵn sàng cho xu hướng chuyển đổi số, công nghệ số đang phát triển hiện nay.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, đất nước ta đã xác định rõ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong ba đột phá chiến lược nhằm tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Trong khi đó, Chỉ thị số 43 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu và giải pháp cấp bách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi, nhằm nắm bắt cơ hội vàng của sự dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Hình ảnh chi tiết sự kiện xem tại đây 
TiktokYouTubeTiktok